Câu hỏi: Cha tôi có 1 thổ đất, năm 1995 ông đi định cư ở Mỹ và có để lại cho em tôi sử dụng với mục đích trông coi giúp và ông không hề tặng hay cho em tôi. Mảnh đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khoảng năm 2005 em gái tôi bán miếng đất ấy cho 1 người khác và người đó đã làm thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Vậy, việc cấp giấy chứng nhận mang tên người mua có đúng theo quy định của pháp luật không? Vì chủ sở hữu mảnh đất là bố tôi nhưng bố tôi không hề ký giấy bán mảnh đất trên.
Trả lời:
Theo thông tin bạn cung cấp, Cha bạn có 1 thổ đất, năm 1995 ông đi định cư ở Mỹ và có để lại cho em tôi sử dụng với mục đích trông coi giúp và ông không chuyển nhượng hay tặng cho em bạn. Diện tích đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên đến năm 2005 em gái bạn đã tự ý chuyển nhượng diện tích đất này cho người khác.
Theo quy định Luật đất đai 2003, 2013, Bộ luật dân sự 2005, 2015 thì ai là người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chủ sở hữu hợp pháp của tài sản và có quyền định đoạt tài sản này. Do đó, em gái bạn có hành vi tự ý chuyện nhượng diện tích đất này mà không có sự ủy quyền của cha bạn là vi phạm quy định tại Điều 117 Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự
- Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
- a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
- b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
- c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
- Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định”.
Hợp đồng con bạn ký sẽ bị vô hiệu do con bạn không có quyền định đoạt tài sản này.
Để đảm bảo quyền lợi cho bản thân, cha bạn có quyền làm đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người mua mảnh đất đang cư trú để yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu theo quy định tại Điều 122 Bộ luật dân sự 2015:
“Điều 122. Giao dịch dân sự vô hiệu
Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại Điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu, trừ trường hợp Bộ luật này có quy định khác”.
Hậu quả của hợp đồng vô hiệu là các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Do giao dịch chuyển nhượng QSDĐ giữa em gái bạn và người mua là vô hiệu, cho nên việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ mang tên người mua là trái luật.