Hỏi đáp, Văn bản pháp luật

Có nhiều thẩm mỹ viện ngang nhiên hoạt động trong khi đó cơ sở kinh doanh không giấy phép, bác sĩ không chứng chỉ, sản phẩm thẩm mỹ không hợp pháp. Vậy những thẩm mĩ viện này sẽ bị xử phạt như thế nào?

Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế theo đó, Thẩm mỹ viện hoạt động không có giấy phép sẽ bị xử phạt theo điểm a khoản 6 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP cụ thể như sau:

“6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh;”

          Như vậy, cơ sở thẩm mỹ viện hoạt động trái phép có thể bị phạt hành chính lên tới 50 triệu đồng. Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng hình thứ xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của cơ sở; trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng theo quy định tại điểm c khoản 7 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.

          – Theo Điều 6 Luật khám chữa bệnh 2009 thì Khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hành nghề, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động là một trong các hành vi bị cấm. Thẩm mỹ viện sử dụng bác sĩ không có chứng chỉ hành nghề sẽ bị xử phạt theo điểm a khoản 4 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP:

          “4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Sử dụng người hành nghề không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, đình chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;”

          Còn với việc bác sĩ thẩm mĩ viện không có chứng chỉ hành nghề sẽ bị xử phạt theo điểm a, điểm b khoản 7 Điều 38 Nghị định 117/2020/NĐ-CP

          “7. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

          a) Khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;

          b) Khám bệnh, chữa bệnh khi đang trong thời gian bị thu hồi chứng chỉ hành nghề hoặc bị đình chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh;”

          Ngoài hình thức xử phạt trên, trường hợp vi phạm có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là: Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 22 tháng đến 24 tháng đối với hành vi quy định tại điểm b khoản 7 Điều 39. Đối với người nước ngoài tái phạm hành vi quy định tại khoản 7 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.

          – Thẩm mỹ viện sử dụng sản phẩm thẩm mỹ không hợp pháp sẽ bị xử phạt theo khoản 4 Điều 41 Nghị định 117/2020/NĐ-CP:

          “4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng thuốc hết hạn sử dụng hoặc thuốc không bảo đảm chất lượng hoặc thuốc chưa được cấp giấy phép nhập khẩu hoặc thuốc chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành, trừ trường hợp không phải cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành theo quy định của pháp luật.”

          Đối với hành vi vi phạm trên có thể bị Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng

          – Ngoài chế tài xử lý vi phạm hành chính thì nếu trong thời gian hoạt động, các cơ sở này gây ra hậu quả chết người hoặc tổn thương về sức khỏe của những khách hàng đến thực hiện dịch vụ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác. Đối với các trường hợp gây thiệt hại cho bệnh nhân trong quá trình hoạt động, các cơ sở này phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của bộ luật dân sự 2015.

Author Since: Mar 15, 2019

Bài viết liên quan