Nếu một người làm đơn tố cáo người khác vì biết người đó có hành vi vi phạm pháp luật nhưng lại không có bằng chứng để chứng minh thì có bị tố ngược lại về tội vu khống hay không?
- by Luật Bạch Đằng Giang
- 1 năm ago
- 0 comments
Đối với câu hỏi của anh, tôi xin được tư vấn như sau:
Tại Điều 30 Hiến pháp 2013 quy định:“Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.”.
Bên cạnh đó, theo khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo 2018, tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo quy định trên, tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân, được pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh các quyền thì người tố cáo cũng phải tuân thủ các nghĩa vụ theo ghi nhận tại khoản 2 Điều 9 Luật Tố cáo hiện hành, bao gồm:
– Cung cấp thông tin cá nhân;
– Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;
– Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo;
– Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu;
– Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.
Đồng thời, khoản 10 Điều 8 Luật này cũng nghiêm cấm cá nhân có hành vi cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo.
Do đó, tố cáo không có bằng chứng là người tố cáo không thực hiện đúng nghĩa vụ là cung cấp thông tin và nội dung tố cáo được cơ quan chức năng cho là sai sự thật thì hành vi tố cáo này có thể bị coi là bịa đặt, vu khống. Người bị tố cáo có quyền theo Khoản 1 Điều 10 Luật Tố cáo 2018 là yêu cầu cơ quan chức năng xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc khởi kiện ra tòa tùy theo tính chất, mức độ vi phạm để bảo vệ quyền lợi của mình.
Theo điểm b khoản 1 Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017, người có hành vi bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vu khống với mức phạt tù lên đến 07 năm.