“Phòng hạnh phúc” trong trại giam của phạm nhân
- by Luật Bạch Đằng Giang
- 4 năm ago
- 0 comments
Hiện nay, nhiều trại giam có “phòng hạnh phúc” để phạm nhân cải tạo tốt được gặp vợ hoặc chồng nhưng không được sinh con. Điều này được thể hiện bằng một cam kết. Vậy để phạm nhân thực hiện đúng cam kết, tránh để lại những hậu quả không mong muốn thì cần có những giải pháp gì?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 52 Luật thi hành án hình sự năm 2019 có nêu: 1. Phạm nhân được gặp thân nhân 01 lần trong 01 tháng, mỗi lần gặp không quá 01 giờ. Căn cứ kết quả xếp loại chấp hành án, yêu cầu giáo dục cải tạo, thành tích lao động, học tập của phạm nhân, Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện quyết định kéo dài thời gian gặp thân nhân nhưng không quá 03 giờ hoặc được gặp vợ, chồng ở phòng riêng không quá 24 giờ. Phạm nhân được khen thưởng hoặc lập công thì được gặp thân nhân thêm 01 lần trong 01 tháng.
Phạm nhân vi phạm nội quy cơ sở giam giữ phạm nhân thì 02 tháng được gặp thân nhân 01 lần, mỗi lần không quá 01 giờ.
Như vậy, việc phạm nhân thăm gặp vợ/ chồng trong “buồng hạnh phúc” chính là trường hợp đặc biệt chỉ xảy ra khi phạm nhân đáp ứng một số điều kiện nhất định:
Thứ nhất, phạm nhân phải chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công.
Đối với phạm nhân, luật thi hành án hình sự chỉ quy định chung là chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế của trại giam hoặc lập công. Việc không quy định chi tiết các điều kiện mà chỉ để quy định chung tạo cơ hội cho phạm nhân có thể dễ dàng hơn đáp ứng điều kiện này mà không phạm luật.
Trên thực tế, không phải trường hợp nào nghiêm chỉnh chấp hành nội quy cũng được bố trí gặp vợ, chồng trong 24h tại phòng riêng. Quản lí trại giam sẽ căn cứ vào nhiều yếu tố như thái độ cải tạo, tính tác động tích cực của việc thăm gặp này và tác động của nó đối với phạm nhân để xem xét cụ thể.
Thứ hai, thân nhân là vợ hoặc chồng của phạm nhân có đủ điều kiện gặp phạm nhân tại phòng riêng thì phải có giấy đăng ký kết hôn, trước khi thăm gặp phải kê khai đồ dùng, tư trang cá nhân để thực hiện thủ tục kiểm duyệt, phải viết giấy cam kết thực hiện nghiêm chỉnh Nội quy nhà thăm gặp, cam kết thực hiện, chấp hành quy định về pháp luật dân số, kế hoạch hóa gia đình hiện hành. Đặc biệt, đối với phạm nhân nữ phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai để đảm bảo thời gian chấp hành án phạt tù
Nghĩa là người được thăm gặp phạm nhân trong 24h phải là vợ hoặc chồng của phạm nhân và có giấy đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật. Trước đó, khi áp dụng Thông tư 46 còn có quy định về việc có thể không có giấy đăng ký kết hôn thay vào đó là giấy xác nhận của UBND hoặc công an cấp xã về tình trạng hôn nhân, nhưng hiện nay đã được thay thế bằng quy định mới. Quy định này đặt ra phải là vợ chồng trên thực tế, được pháp luật công nhận thì mới được thăm gặp trong 24h.
Có thể thấy, việc gặp mặt vợ/chồng tại “buồng hạnh phúc” đòi hỏi thân nhân phạm nhân phải chấp hành nghiêm chỉnh các nội quy của trại giam và trải qua quá trình kiểm tra, kiểm soát vật dụng thăm gặp một cách gắt gao để đảm bảo cho công tác an ninh. Trên thực tế, khi có phạm nhân được thăm gặp người thân trong buồng riêng thì cũng đẩy số lượng giám thị trại giam trực ngày hôm đó lên nhiều hơn so với ngày thường.
Ngoài những chế độ trên thì vợ hoặc chồng của phạm nhân khi đến thăm gặp, tùy vào tình hình cụ thể có thể được phép cho cùng ăn cơm tại căn tin trại giam tối đa 60 phút
Trường hợp đặc biệt đối với việc thăm gặp phạm nhân trong buồng riêng khi phạm nhân là nữ thì trước khi tiến hành việc gặp riêng, ngoài việc cam kết thực hiện đúng chính sách kế hoạch hóa gia đình theo quy định, phạm nhân còn phải cam kết sử dụng biện pháp tránh thai và không mang thai để đảm bảo thời gian chấp hành án. Tuy nhiên, hiện chưa có một quy định cụ thể nào về trường hợp nếu phạm nhân nữ không thực hiện đúng cam kết và dẫn đến việc có thai thì sẽ xử lý thế nào và trên thực tế cũng chưa ghi nhận một trường hợp nào mang thai sau khi gặp người thân tại buồng hạnh phúc. Phạm nhân nam gặp vợ và có thai thì không sao nhưng phạm nhân nữ có thai thì lại kéo theo vô vàn hệ lụy khác về mặt pháp lý về sau. Đây có thể là một lỗ hổng về pháp luật, các nhà làm luật đã dự trù được, tuy nhiên bởi những tác động tích cực của biện pháp nhân văn này mang lại thì vẫn được áp dụng.
Đối với tôi đây là một sự khoan hồng, nhân đạo tạo điều kiện cho phạm nhân và người thân của họ là vợ chồng có những lần gặp gỡ ý nghĩa để họ có tư tưởng tâm lý cải tạo tốt để sớm về đoàn tụ với gia đình.