Dân sự, Hỏi đáp, Tư vấn pháp luật

Còn có vướng mắc, bất cập gì trong thực hiện quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra?

Hiện pháp luật đã đặt ra quy định cụ thể về trường hợp trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự gây ra trong thời gian trường học, bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý. Điều luật này được quy định cụ thể trong Bộ luật Dân sự năm 2015 và được cụ thể hóa thông qua Điều 599. Theo đó, trên thực tế quá trình vận dụng và áp dụng quy định pháp luật trên của Tòa án để giải quyết vụ việc bồi thường thiệt hại được diễn ra thường xuyên; tuy nhiên việc áp dụng và thực hiện pháp luật vẫn còn nhiều điểm bất cập và vướng mắc, gây ra nhiều khó khăn trong việc xác định các các trường hợp áp dụng và cách thức xác minh, giải quyết vụ việc. Cụ thể như:

Thứ nhất, xét về mặt ngữ nghĩa trong Điều 599, tôi cho rằng thuật ngữ đã chưa được sử dụng thống nhất và đồng bộ. Rõ ràng, nhận thấy được thuật ngữ được sử dụng trong các khoản 1, khoản 3 không thống nhất với tiêu đề của Điều luật. Tiêu đề của Điều luật này và tại khoản 3 của Điều 599 sử dụng cụm từ “người dưới 15 tuổi”, nhưng tại khoản 1 lại sử dụng cụm từ “người chưa đủ 15 tuổi”. Việc sử dụng cụm từ “người chưa đủ 15 tuổi” như ở khoản 1 là sự thay đổi phù hợp của Bộ luật Dân sự năm 2015, nhưng sự sửa đổi này lại chưa đồng bộ. Điều này có thể gây hiểu lầm, và rất dễ có nhiều quan điểm, cách lý giải khác nhau về vấn đề này.

Thứ hai, tại quy định ở khoản 3, Điều 599, nếu trường học, bệnh viện không có lỗi trong việc quản lý người chưa đủ 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự thì người giám hộ phải bồi thường. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật tại khoản 3, Điều 586, Bộ luật Dân sự năm 2015, người giám hộ chỉ phải bồi thường bằng tài sản của mình nếu người gây thiệt hại không có hoặc không đủ tài sản để bồi thường và người giám hộ có lỗi trong việc giám hộ. Rõ ràng, hai quy định cùng điều chỉnh về vấn đề bồi thường thiệt hại do người chưa đủ 15 tuổi và người mất năng lực hành vi dân sự gây ra nhưng lại có sự mâu thuẫn với nhau. Do vậy, nhìn chung giữa hai quy định trên chưa thực sự thống nhất và ổn định.

Thứ ba, tại khoản 3, Điều 599, Bộ luật Dân sự 2015 có quy định: “Trường học, bệnh viện, pháp nhân khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không phải bồi thường, nếu chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý, trong trường hợp này, cha, mẹ, người giám hộ của người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường”. Quy định này có nghĩa là, nếu trường học, bệnh viện, pháp nhân khác không có lỗi thì cha, mẹ, người giám hộ phải bồi thường thiệt hại khi có bằng chứng chứng minh mình không có lỗi trong quản lý.

Theo chúng tôi, vấn đề này chưa được pháp luật đề cập rõ ràng, bởi lẽ quy định chưa chỉ rõ về “các bằng chứng để chứng minh gồm những gì?”. Chính tại sự chưa rõ ràng này nên nhiều trường hợp, các pháp nhân khác, trường học, bệnh viện có thể xuất trình nhiều bằng chứng mà do họ tự tạo nên chứ không hề có thật. Từ đó, dẫn tới có rất nhiều vụ việc diễn ra trên thực tế do sự quản lý của nhà trường, bệnh viện… gây thiệt hại nhưng phần lớn đều do bố mẹ hay người đại diện của các chủ thể đặc biệt đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Thứ tư, sự am hiểu về pháp luật của người dân hiện còn chưa cao. Hơn nữa, người dân còn chưa chủ động tìm hiểu về các quy định của pháp luật để có thể tự đưa ra các quan điểm chính đáng, bảo vệ quyền lợi của bản thân. Do vậy, gây ra nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết vụ việc bồi thường thiệt hại giữa các bên liên quan.

Thứ năm, công tác tuyên truyền, vận động còn nhiều hạn chế, chưa phù hợp với từng đối tượng cụ thể, tuyên truyền mang tính hình thức, không khả thi và không mang lại hiệu quả cao cho đối được tư vấn. Hiện nay, vấn đề bảo vệ quyền của nhóm yếu thế như: Người chưa thành niên (dưới 15 tuổi), người mất năng lực hành vi dân sự… đã được đẩy mạnh nhưng các cơ quan bảo vệ quyền của những nhóm này vẫn chưa thực hiện hết chức năng của mình, chưa quan tâm sâu sắc đến thực tế, các cơ quan báo chí chưa kịp thời phản ánh về các vụ việc và vấn đề xảy ra nên nhiều vụ việc dễ rơi vào sự “lãng quên” hoặc “bỏ quên”. Như vậy, đã ảnh hưởng và để lại nhiều khó khăn cho vấn đề bảo vệ quyền lợi của nhóm yếu thế và vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Author Since: Mar 15, 2019

Bài viết liên quan